Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

385 - Mệt, mỏi mắt, mất ngủ, không tập trung đã 5 năm, dễ viêm họng, răng lợi hơi yếu.

Thưa Thầy!

Vô tình con tìm được Website của Thầy trên Net, con rất mừng và tràn đầy hy vọng (như là chết đuối sắp vớ được cọc ý). Suốt 10 ngày qua con đọc ngấu nghiến các thông tin trên WebSite của Thầy, hôm nay con mạo muội viết mail gửi Thầy mong được Thầy sớm hồi âm chỉ dẫn cho con cách tập luyện. Con bị chứng mất ngủ, mỏi mắt khoảng 5 năm nay, sau đây con xin được liệt kê các thông tin về tình trạng bệnh tình của con:

Thông tin chung về sức khỏe, công việc:

Con năm nay 35 tuổi (Nam), cao 1m65, nặng 61kg, mới lập gia đình. Con là kỹ sữ xây dựng, công việc chính là thiết kế, phải ngồi làm việc máy tính nhiều. Tình hình sức khỏe thời gian trước cơ bản là bình thường, con dễ bị viêm họng, răng lợi cũng hơi yếu.

Tiền sử bệnh mất ngủ, mỏi mắt:

Cách đây khoảng 6 năm con bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên là thỉnh thoảng khó ngủ, khó vào được giấc ngủ, thường cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, đau đầu vào cuối buổi làm việc. Cùng lúc con đi khám Tây Y tổng thể mọi thứ thì không phát hiện gì đặc biệt ngoài chỉ số Cholesterol cao một chút khoảng 6.3. Con vẫn tiếp tục đi làm bình thường, nhiều lúc khá bận rộn, rồi dần dần tần suất mất ngủ tăng lên và tình hình xấu đi, nhiều đêm không ngủ được hoặc chỉ mê man được một lúc, những hôm như vậy ngày hôm sau con như người nghiện, mệt mỏi, lờ đờ, ợ ọe suốt, đầu óc như phát điên chỉ muốn ngủ 1 lát mà không ngủ nổi. Cùng thời điểm đó con bắt đầu hay bị mỏi mắt khi nhìn máy tính, ti vi hay đi đường và cùng với việc mất ngủ tình trạng mỏi mắt ngày một xấu đi đến mức con gần như không thể làm việc được, cứ nhìn màn hình máy tính khoảng 5 phút là không chịu được, mỏi mắt và căng thẳng thần kinh, mắt vằn đỏ và đặc biệt vào cuối giờ chiều. Con đi khám chuyên khoa mắt khắp Hà Nội mà không xác định được cụ thể là gì thị lực vẫn 10/10, chỉ kết luận là mỏi điều tiết nhưng uống thuốc không khỏi. Con đã chạy chữa khắp nơi, uống đủ các loại thuốc Đông, Tây y, tập đủ các loại chạy bộ, đi bộ, đá bóng, Yoga, nhân điện, dưỡng sinh tâm thể …nhưng vẫn chưa có kết quả tốt. Ngoài ra, con còn có triệu chứng nữa là không chịu được khi ở các chỗ bí như trong phòng có đông người, thường cảm thấy đau đầu, căng thẳng và vằn đỏ mắt.

Tình trạng bệnh hiện tại:

Cách đây khoảng 1 năm, con được Bác sỹ thần kinh cho uống VoVa Dưỡng Não thì thầy tình trạng mỏi mắt và căng thăng thần kinh đỡ một chút. Tuy nhiên tình hình ngủ hiện tại vẫn chưa được cải thiện, hiện giờ hàng tối trước khi ngủ con dùng một số loại trà an thần của viện đông y và uống 03 viên cinanizin. Thông thường thời gian ngủ của con là khá dài 7-8h, tuy nhiên thức giấc rất nhiều lần, và mê man cả đêm, cảm giác ngủ rất nông, sáng hôm sau dậy người thường bơ phờ, mệt mỏi, cứ như là không ngủ. Đêm nào không vào được giấc ngủ con phải dùng 1/5v Rivotril. Thỉnh thoảng lắm con cũng ngủ được buổi trưa, tuy nhiên rất nông, và mê man, đôi khi vẫn nhận thấy được hoạt động xung quanh, có lúc giật mình tỉnh giấc thấy tim đập mạnh. Hiện tại con vẫn phải đi làm bình thường, do còn phải nuôi vợ con, nhiều hôm ngủ kém rất mệt mỏi, ôm đầu cả ngày mà không làm được việc gì. Mọi hoạt động khác như ăn uống, sinh hoạt vẫn bình thường, da dẻ bình thường, không mụn nhọt.. ngoài mắt bị thầm quầng.

Huyết áp:

­Buổi sáng mới ngủ dậy (7h30): Tay trái: 131/87/63, Tay phải: 138/89/64

­Lúc đói (chiều tối khi đi làm về 18h): Tay trái 136/87/58, Tay phải: 140/90/59

­Lúc no(sau ăn tối 30 phút 8h30): Tay trái 126/79/68, Tay phải: 135/83/69

-Trước khi ngủ 10h45: Tay trái 115/73/62, Tay phải:126/77/64

Áp huyết mỗi ngày và mỗi lần đo thường không đều, trị số trên được lấy trung bình trong vài ngày gần đây. Thông thường lúc đói áp huyết cao, nhịp tim thấp, sau khi ăn áp huyết giảm và nhip tim tăng cả hai tay. Áp huyết, nhịp tim tay phải thường cao hơn tay trái một chút tại mỗi lần đo. Nhưng lúc thông thường áp huyết giao động trong giới hạn trung bình, có xu hướng huyết áp hơi cao và nhịp tim hơi thấp. Trước đây con đi khám nhiều lần đo huyết áp thường Bác sỹ nói không có vấn đề gì. Áp huyết trên được đo bằng máy đo cổ tay SANITAS SBM 03 của Đức và lấy trị số trung bình (không biết độ chính xác thế nào).

Khí công y đạo:

Con đã download một số video hướng dẫn tập của Thầy và tập thử bài Thở Đan Điền Thần, Tinh và thở Mệnh Môn. Con nhận thấy việc tập để có hơi thở tự nhiên, đều đặn và sổ tức được là rất khó, khả năng tập trung của con rất kém, con chỉ đếm được tí là lại để suy nghĩ đi chỗ khác và lại đếm lại từ đầu, tuy nhiên con sẽ cố gắng, hiện tại con tập ở mọi nơi mọi lúc và bất cứ khi nào có thể. Đối với bài tập Thở Đan Điền Thần, Tinh khi tập con không thấy mạch đập dưới tay, có thấy rõ việc ấm lên ở dưới tay tuy không đều do hơi thở không đều và kém tập trung. Khi tập Đan Điền Thần thấy nóng nhiều hơn. Tuy nhiên cả hai phương pháp tập trước khi ngủ (thời gian tập khá lâu) vẫn chưa khiến chìm vào được giấc ngủ, mặc dù có cảm giác buồn ngủ, nhưng vẫn ở đâu đó giữa ranh giới thức và ngủ. Bài tập Thở Mênh Môn khó hơn, hiện tại con chưa cảm nhận được mấy. Tình trạng giấc ngủ vẫn chưa tốt.

Kính Thư,

NTT.

Trả lời :

A-Phân tích dấu hiệu bệnh theo ngũ hành tạng phủ để tìm nguyên nhân :

1-Dễ bị viêm họng, răng lợi hơi yếu :

Răng lợi hơi yếu thuộc chức năng tiêu hóa của trường vị, ăn không tiêu, thức ăn tích tụ lâu trong bao tử không chuyển hóa bị lên men biến thành nhiệt, đưa hơi nhiệt lên họng và lên mắt làm mắt đỏ và mờ mắt.

2-Mệt mỏi, khó ngủ, đau đầu, ợ oẹ, cholesterol cao :

Cũng thuộc bệnh ăn không tiêu do ăn no, nhiều chất khó tiêu, nhiều dầu mỡ, ăn nhanh vội, không có thời giờ hấp thụ và chuyển hóa, thức ăn biến thành đàm theo đông y trong đó bao gồm cả cholesterol.

Tối khó ngủ do bữa ăn tối nhiều hoặc ăn khuya sát giờ ngủ. Mình muốn ngủ mà bao tử lại muốn làm việc, nó cần thời gian mất khoảng 2-3 giờ để chuyển hóa thức ăn, do có mâu thuẫn âm dương đảo lộn. Mệt mỏi do ăn không tiêu, khó ngủ do bao tử cần thức để làm việc co bóp, làm chuyển động khí huyết, hưng phấn thần kinh. Trong trường hợp này dùng thuốc ngủ không hiệu qủa.

3-Phân tích áp huyết :

Dùng máy đo áp huyết ở cổ tay không chính xác và tiện lợi bằng máy đo ở cánh tay.

Kết qủa áp huyết ở tay trái, lúc đói theo kinh nghiệm của khí công, bên tay trái thuộc chức năng bao tử chưa ăn thì phải yếu hơn so với sau khi ăn. Nhưng kết qủa ở đây ngược lại, qua một đêm thức ăn cũ chưa chuyển hóa, vì thuốc ngủ làm ức chế thần kinh, ngưng mọi hoạt động của bao tử, nên bao tử chỉ đưa hơi men lên mà không thể co bóp chuyển hóa thành chất bổ và thành phân.

Sau khi ăn thay vì chức năng hoạt động của bao tử phải hưng phấn tăng kích thích co bóp để hấp thụ và chuyển hóa thức ăn, áp huyết phải tăng cao hơn, thì ngược lại, bao tử lại không làm việc co bóp mà chỉ chứa thức ăn, nên áp huyết thấp sau khi ăn, làm cơ thể bần thần mệt mỏi, ợ oẹ..

Buổi sáng mới ngủ dậy (7h30): Tay trái: 131/87/63 , Tay phải: 138/89/64

­Lúc đói (chiều tối khi đi làm về 18h): Tay trái 136/87/58 , Tay phải: 140/90/59

­Lúc no(sau ăn tối 30 phút 8h30): Tay trái 126/79/68 , Tay phải: 135/83/69

-Trước khi ngủ 10h45: Tay trái 115/73/62, Tay phải:126/77/64

Áp huyết tay phải thuộc chức năng gan, chứa máu, theo kinh nghiệm của khí công, trước khi ăn, gan phải làm việc để cung cấp men gan cho bao tử tiêu hóa nên áp huyết phải cao hơn tay trái, sau khi ăn, chức năng gan nghỉ ngơi áp huyết hạ thấp. Kết qủa ở trên là đúng, nên chức năng gan còn tốt.

Nhịp mạch tim đập :

Sau khi ăn nhịp mạch tim đập nhanh hơn trước khi ăn, nên kết qủa trên là đúng. Tuy nhiên nhịp mạch dưới 70 theo đông y thuộc hàn, trên 80 thuộc nhiệt do ảnh hưởng từ thức ăn có tính hàn, nhiệt. Kết qủa trên cho thấy ăn nhiều thức ăn hàn lạnh mát không tiêu làm cơ thể vẫn bị hàn, khiến cho không đủ nhiệt 41 độ C trong bao tử để hâm lại thức ăn chín nhừ, giống như thức ăn bỏ trong tủ lạnh bị đông đá, không biến thành chất lỏng, hay giống như ăn 1 tô phở nhiều nước béo mà để nguội, nên ăn không tiêu được.

Kết luận : Tất cả mọi biến chứng của bệnh gây ra là hậu qủa của chức năng tỳ vị hư hàn do ăn uống sai lầm làm chậm tiêu.

B-Cách điều chỉnh Tinh-Khí-Thần :

Tinh :

1-Không uống nhiêu nước, không ăn qúa no, không ăn những chất hàn lạnh như cam, chanh, nước dừa, kem, nước đá, rau xanh, đậu xanh, mướp đắng, yaourt…Không được ăn đêm và uống nước nhiều vào buổi tối sẽ làm mất ngủ.

2-Trước khi ăn 30 phút, ngậm dưới lưỡi 20 viên Phụ Tử Lý Trung Hoàn ( Fu Tzu Li Chung Wan) :công dụng chữa trị tỳ vị hư hàn ăn uống không tiêu, chân tay lạnh, bụng sôi, ói mửa tiêu chảy, co rút đau gân trong nội tạng, thận hư phải lọc thận, tiểu nhiều, tiểu đêm.

3-Nên ăn những chất cay ấm cho bao tử như gừng. Sau bữa cơm uống nước trà gừng mật ong giúp chức năng bao tử hưng phấn để chuyển hóa thức ăn và loại bỏ cặn bã nhanh.

Để ý sau khi ăn đo áp huyết tay trái lên cao hơn và tay phải thấp hơn trước khi ăn là đúng.

4-Mua 1 gói hạt Kỷ Tử khô, bỏ trong túi, khi mệt mỏi, lấy ra ăn 5-10 hạt như ăn nho khô, để chống mệt mỏi, chống mỏi mắt, và làm cho mắt sáng, tinh tường. Mỗi ngày có thể ăn 100 hột.

Khí :

1-Sau khi ăn 30 phút, phải hâm nóng thức ăn trong bao tử lại bằng cách tập Nạp Khí Trung Tiêu 5 lần, vừa làm tăng nhiệt, tăng áp huyết, hưng phấn thần kinh, sau đó tập ngay bài Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng 200 lần để giúp bao tử co bóp nhồi thức ăn 200 lần để tăng tính hấp thụ và chuyển hóa thức ăn thành chất bổ, thành nhiệt lượng, năng lượng, thông khí chạy toàn thân đưa khí huyết đi nuôi khắp cơ thề, loại bỏ độc tố, loại bỏ cholesterol cao và cặn bã ứ đọng trong trường vị, tăng cường oxy cho các tế bào, chống mệt mỏi.

Xem thêm bài trong Câu hỏi 25 : Muốn giảm cân hay tăng cân ?

2-Sáng tập toàn bài thể dục khí công trong lớp để tăng cường thể lực cho một ngày làm việc.

Nhất là bài Cúi Ngửa 4 Nhịp 20 lần để cung cấp máu lên nuôi não.

3-Chữa mắt quầng thâm, mắt đỏ, mỏi mắt, làm sáng mắt : Nấu 10 bông hoa cúc khô mua ở tiệm thuốc bắc với ½ lít nước cho sôi. đổ ra 2 ly lưng 2/3 (không đầy) để trên bàn, úp hai mắt vào hai ly xông hơi hoa cúc 30 phút, khi nước nguội, vớt hoa cúc ra, nằm ngửa đắp lên hai mắt 15 phút, mỗi ngày.

Thần :

Trước khi đi ngủ 30 phút, tập bài Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng 200 lần để thông khí huyết toàn thân, loại bỏ cholesterol và thức ăn còn ứ đọng trong bao tử, sau đó ngậm miệng cuốn lưỡi để giữ khí và giữ nhiệt, hai bàn tay để ở Đan Điền Thần, hít thở bình thường như em bé đang nằm ngủ, chỉ để ý xem hơi thở ở bụng nó làm cho bàn tay mình phồng lên xẹp xuống như thế nào, gọi là quan sát hơi thở hay danh từ nhà thiền gọi là quán tức. Nhưng quán tức chưa đủ vì tâm sẽ loạn, cần phải định tâm bằng cách đếm hơi thở phồng xẹp, gọi là Sổ Tức. Sổ tức của thiền khác với cách đếm cừu để chữa bệnh mất ngủ theo tây y, mà là đếm nhẩm phồng-xẹp từ 1-10, gọi là 10, rồi đếm chồng từ 1-10 gọi là 20, từ 1-10 gọi là 30, từ 1-10 gọi là 40….

Hãy tập thử xem kết qủa mỗi ngày, thí dụ ngày đầu đếm 300 lần mất 30 phút, tần suất 10 lần trong 1 phút. Ngày hôm sau tập quen thì hơi thở hòa hoãn chậm hơn, 300 lần mất 40 phút, ngày hôm sau nữa 300 lần mất 60 phút….

Nếu người nào giỏi đếm được 3000 lần trong 6 giờ mà vẫn tỉnh táo thì trở thành đại lão thiền sư, đạt được trình độ thiền tỉnh thức, vì không bị hôn trầm (buồn ngủ và ngủ gục). Vì người mới học thở thiền, khi ngồi thiền chưa được 10 phút là lưng đã cong, đầu đã gục xuống ngủ.

Khoa học đo tần số sóng não khi hoạt động làm việc là 11 Hertz trở lên, tần số khi hôn trầm bắt đầu ngủ khoảng 6-8 Hertz, đi vào giấc ngủ sâu không mệt mỏi mộng mị là 4-5 Hertz, nhưng thiền tỉnh thức ở các vị thiền sư xuống đến 1-3 Hertz, nên các vị thiền sư không ngủ mà mỗi giờ thiền tương đương với 1-2 giở ngủ của người thường.

Do đó khi thở thiền được trạng thái tỉnh thức là có ý thức tâm tĩnh lặng, nhưng bộ não được nghỉ ngơi hoàn toàn.

Như vậy nếu tập thở thiền đúng thì thiền tỉnh thức hay thiền bị hôn trầm cũng đã có một giấc ngủ sâu, chỉ khác nhau là thiền tỉnh thức được phát triển tế bào não, trẻ hóa tế bào, kích thích những phần tế bào 80% còn lại của bộ não chưa được hoạt động được phục hồi để tăng tính thông minh sẽ phát triển những kỹ năng được chôn dấu tiềm ẩn trong tiềm thức đã gom góp kinh nghiệm sống trong nhiều đời nhiều kiếp.

Thân

doducngoc