Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

106 - Hỏi cách phân tích áp huyết để tìm bệnh, cách chữa sình bụng, phục hồi thính lực


Kính gửi Thầy Ngọc,

Con cảm ơn Thầy đã sớm trả lời thư con!

Chiều nay con lại tiếp tục đi tìm Tankwe Gin ở các cửa hàng Đông y khác trong thành phố. Họ có bán Tankwe dạng nguyên liệu, tức là rễ Đương Quy. Con nghĩ dùng loại này chắc có lẽ tốt hơn loại pha chế theo công thức Tây y mà con hỏi Thầy hôm trước, nên tạm thời con chưa mua loại của Tây y. Con có tìm hiểu các bài viết của Thầy thì thấy có thể dùng loại đó tự nấu thành dung dịch Tankwe thay cho loại đóng chai bán sẵn Tankwe Gin.

1.Trong công thức pha chế, Thầy nói 5 thang Tankwe nấu với 1.5 lít nước... Thầy cho con hỏi 5 thang tương đương với bao nhiêu gam vậy Thầy? Ở Đài Loan họ không bán thuốc theo thang như ở Việt Nam mình. Tất cả thuốc họ cho nghiền thành bột rồi đóng thành từng gói nhỏ cho người bệnh uống. Với rễ cây Đương Quy, họ bán theo đơn vị gam.

2.Đến hôm nay vừa tròn 1 tuần con thực hiện các bài tập khí công y đạo, con đã đỡ đau hai đầu gối chân rất nhiều, đi tiểu cũng ít hơn trước, đỡ tức ngực hơn, thân nhiệt giảm nhiều. Kết quả đo huyết áp như sau:

9-Apr (trưa) : Tay trái lúc đói : 124/75mmHg mạch 96, lúc no : 102/66mmHg mạch 116

Tay phải lúc đói : 118/72mmHg mạch 100, lúc no : 133/74mmHg mạch 115

12-Apr (trưa) : Tay trái lúc đói : 104/61mmHg mạch 88

Tay phải lúc đói : 121/65mmHg mạch 81

15-Apr (trưa): Tay trái lúc đói : 96/62mmHg mạch 88 , lúc no : 92/59mmHg mạch 98

Tay phải lúc đói : 88/62mmHg mạch 88, lúc no : 104/63mmHg mạch 98

Thầy phân tích kết quả giúp con với ạ!

3. Con dùng thuốc Bu Zhong Yi Qi được 3 ngày nay, nhưng từ khi dùng loại thuốc đó bụng con sình nhiều hơi sau khi ăn nên cứ ợ hơi suốt và rất tức phần bụng dưới hõm ngực. Con thực hành nằm thở Đan Điền Thần thì thấy thoải mái hơn, nhưng khi ngồi dậy làm việc tiếp thì lại bị tức bụng ợ hơi. Thêm nữa, 2 môi con bị khô và rộp lớp vẩy mỏng. Theo lời Thầy, con cũng kiêng ăn những chất chua, hàn. Con bị làm sao vậy Thầy?

4. Còn một vấn đề mà trong thư đầu tiên con quên không kể với Thầy:

Năm 13 tuổi con bị viêm tai giữa, tai bên trái, bệnh chữa mãi mà không khỏi cho tới năm 15 tuổi, một người mách con dùng nước Oxy già để rửa tai. Con dùng và hết bị viêm tai giữa. Nhưng một thời gian sau con phát hiện thính lực tai trái rất yếu. Do thiếu hiểu biết nên cứ để tình trạng đó mà không chữa trị gì cả. Tới năm 22 tuổi, con đi khám bệnh viện thì được biết tai trái bị thủng màng nhĩ, sức nghe chỉ còn 21%. Khi nghe nhạc bằng earphone qua tai đó thì chỉ nghe thấy giọng ca sĩ hát mà không nghe thấy nhạc. Con đã qua phẫu thuật để vá màng nhĩ trái, nhưng thính lực vẫn không hề được cải thiện. Những lúc hoạt động thể lực mạnh, hoặc bị viêm mũi, viêm họng thì mỗi lần hít thở con thường nghe thấy một tiếng "tạch" ở tai trái. Những lúc ngáp ngủ cũng nghe thấy tiếng đó. Sau mỗi lần như vậy thì tai đó lại nghe rõ hơn bình thường, nhưng chỉ được trong chốc lát.

Con đi khám bệnh viên ở Đài Loan, bác sĩ nói tai con không có khả năng hồi phục thính lực. Muốn nghe được, cần phải phẫu thuật để cài thiết bị trợ thính trong tai. Chi phí cho ca phẫu thuật đó thì ngoài sức chịu đựng của con.

Với Khí Công Y Đạo, con có khả năng cải thiện thính lực không Thầy? Nếu có thể, con mong Thầy chỉ bảo cho con!

Con chúc Thầy sức khỏe và an lành!

Kính thư,

Trần Thưởng



1-Xem bài Đương Quy Tửu ở link này, chứ không phải 1 vị Đương Quy.

Những bệnh có thể uống được thuốc bổ máu Đương Quy Tửu (Tankwe gin)

2-Theo kết qủa số đo áp huyết bên tay trái ảnh hưởng của bao tử, khi đói, áp huyết bình thường, còn mạch 96 là thân bị nhiệt, lúc ăn no, áp huyết bên tay trái lại xuống thấp, chứng tỏ chức năng bao tử quá yếu không chuyển hóa được thức ăn, nên bao tử bị mệt, áp huyết thấp hơn so với khi chưa ăn, ngược lại, ăn xong mạch nhịp tim đập quá nhanh 116 là bao tử trở nên nhiệt.

Còn áp huyết bên tay phải liên quan đến gan, khi đói thì áp huyết bình thường hoặc thấp, sau khi ăn, áp huyết tăng cao hơn, có nghĩa là lúc đó men gan mới tiết ra sau khi ăn, không giúp gì cho sự chuyển hóa của bao tử, đông y gọi là can vị bất hòa.

Khi can vị bất hòa, thức ăn không được chuyển hóa thành chất bổ, nên lượng máu thiếu khiến mạch nhịp tim đập nhanh mới đủ sức thúc đẩy tuần hoàn đi khắp nơi. Như vậy là áp huyết giả, nếu mạch bình thường là 80, thì áp huyết thật ở tay phải lúc đói đo được lúc cao nhất 121/65mmHg mạch 81, và lúc no thấp nhất là 102/66mmHg mạch 116 (lấy 116 trừ 80, mạch nhanh hơn 36 nhịp, lấy 102 trừ 36=66 ) hay áp huyết thực sẽ là 66/66mmHg mạch 80. Ngày 15/4 áp huyết tay phải lúc đói hay bình thường là 88/62mmHg mạch 88, hay đổi ra thành 80/62mmHg mạch 80, lúc no 104/63mmHg mạch 98 hay đổi ra thành 86/63mmHg mạch 80. Như vậy cơ thể đã thiếu máu trầm trọng. Cần phải uống sirop bổ máu Đương Quy Tửu.

3-Thiếu huyết đông y gọi là âm hư, thì sinh nội nhiệt, sẽ làm môi khô rộp, âm hư nói về thiếu máu, còn nói về ngũ hành tạng phủ, âm là tim, lá mía, phổi, thận , gan. Áp huyết thấp thuộc tâm hư, ù điếc tai là thận hư. Theo quy luật khí hóa ngũ hành, tâm là hỏa, mẹ của thổ tỳ-vị, mẹ hư không chuyẻn hóa năng lượng nuôi con, nên chức năng tỳ-vị cũng bị hư, phần trăm hấp thụ và chuyển hóa kém, nên thức ăn không chuyển hóa thành máu mà thành mỡ và đàm. Còn thận hư tai điếc, thận là mẹ của gan cũng hư nên không nuôi con là gan, khiến gân cơ, thần kinh co rút, làm các ống mạch co hẹp lại, gan cũng là kho chứa máu đang bị thiếu máu, không đủ máu cung cấp cho tim dẫn truyền máu đi khắp cơ thể nuôi dưỡng tế bào và các cơ quan tạng phủ, khiến cho tim phải co bóp bơm máu nhanh nên nhịp nhanh. Như vậy, ngoài chứng can vị bất hòa, còn thêm chứng tâm thận bất giao, vì không đủ thủy hỏa.

Cách chữa theo Tinh-Khí-Thần :

Tinh :

1-Uống Đương Quy Tửu không có sirop thì mua từng vị theo toa trong bài, về nấu, lọc cất trong chai bảo quản trong tủ lạnh, uống theo mỗi bữa ăn 5 phút, cho đến khi nhịp tim xuống 80, áp huyết lọt vào lứa tuổi của mình :

110-120/65-70mmHg, mạch tim đập 65-70 là áp huyết ở tuổi thanh niên (từ 18-39 tuổi)

120-130/70-80mmHg, mạch tim đập 70-75 là áp huyết ở tuổi trung niên (từ 40-59 tuổi)

2-Chữa tai bị thủng màng nhĩ nhỏ : Tối đi ngủ, nằm nghiêng, nhỏ 2 giọt Oxy già vào lỗ tai, dùng bông nhét vào lỗ tai, rồi đi ngủ. Khi nằm nghiêng, bên ngoài tai nhét bông, công dụng của nước Oxy già làm sủi bọt ráy tai không có lối thoát ra ngoài, nên nó chìm xuống và khô là đã tráng lại mặt trống màng nhĩ, chỉ cần trám 1 lần.

3-Về thuốc Bổ Trung Ích Khí (Bu Zhong Yi Qi wan), có công dụng trị cơ thể suy nhược, khí hư huyết trắng, sa tử cung, trĩ, tỳ vị suy yếu hư hàn, thức ăn biến thành đàm. Nếu cơ thể không hợp, có thể chọn một trong hai loại thuốc sau :

Kiện Tỳ Hoàn (Jian Pi wan), có công dụng trị tỳ khí hư nhược ăn uống không hấp thụ, không tiêu, biếng ăn.

Phụ Tử Lý Trung Hoàn ( Fu Tzu Li Chung Wan), có công dụng trị tỳ vị hư hàn ăn uống không tiêu, chân tay lạnh, bụng sôi, ói mửa tiêu chảy, co rút đau gân trong nội tạng, thận hư phải lọc thận, tiểu nhiều, tiểu đêm.

Khí :

Tập Bài Đứng Hát Kéo Gối Lên Ngực 200 lần, làm tăng áp huyết, mạnh tim phổi, thông mạch tim.

Tập bài Nạp Khí Trung Tiêu 5 lần, mỗi lần nâng hai chân lên 45 độ lâu 1 phút, nghỉ 1 phút, để làm tăng áp huyết, sau đó tập bài Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng 200 lần để điều chỉnh tiêu hóa, thúc đẩy khí huyết lưu thông toàn thân trong phủ tạng, làm mạnh lưng thận.

Thần :

Tập thở thiền ở Mệnh Môn làm tăng thận khí làm tăng thính giác trước khi đi ngủ, giúp an thần ngủ ngon (theo hướng dẫn ở DVD hướng dẫn đính kèm)

Thân

doducngoc

Tài liệu đính kèm :

Đứng hát kéo gối lên ngực

http://video.yahoo.com/watch/7399253/19354500

Nạp Khí Trung Tiêu/Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng :

http://video.yahoo.com/watch/5178353/13693273

Thở Mệnh Môn

http://video.yahoo.com/watch/7404621/19370782