Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Những dấu hiệu bệnh liên quan đến Phế-Đại Trường

A-CHỨNG BỆNH CỦA PHẾ

Chứng phế hư : (258)

Nói chung phế hư là bao gồm cả phế khí và phế âm không đầy đủ có dấu hiệu hô hấp yếu, thở nông, họng khô, tai ù, chân tay lạnh, tê buốt da...,

Chứng phế âm hư : (259)

Do phế âm suy hư có hai trường hợp:

Âm hư đơn thuần:

Có dấu hiệu ho khan, ít đờm, môi, họng khô, khàn tiếng, gò má đỏ bừng, mồ hôi trộm nóng ẩm, lòng bàn tay bàn chân nóng ẩm, đại tiện phân khô, lưỡi đỏ, rêu ít.

Âm hư hỏa vượng :

Hỏa vượng làm tổn thương phế thì đờm có lẫn máu, miệng khát, ra mồ hôi trộm, phát sốt về chiều, thường gặp ở bệnh lao phổi, viêm họng mạn tính, bệnh bạch hầu .

Chứng âm hư phế nhiệt : (260)

Thường gặp trong bệnh bạch hầu và lao phổi, có dấu hiệu riêng của từng bệnh.

Bệnh bạch hầu :

Bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em do tà khí truyền qua miệng mũi vào phế vị, hóa hỏa xông lên họng làm niêm mạc họng nổi lớp màng trắng sạm dễ tróc, toàn thân nhiễm độc, bệnh thường phát vào lúc thời tiết lạnh khô ở mùa đông xuân, bệnh phát ra được ba bốn ngày nung mủ, khô rụng đi, khát nước ưa uống mát, sốt không cao nhưng người cảm thấy khô háo, mặt sắc nhợt, khi ho âm thanh biến đổi khản đục như tiếng sủa, lưỡi đỏ, rêu ít.

Bệnh lao phổi :

Ho khan ít đờm, đôi khi khạc ra sợi huyết, sốt nhẹ về chiều, mồ hôi trộm, vùng ngực đau âm ỉ, mỏi mệt, ăn ít, khô miệng, ven lưỡi và đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng.

Chứng phế khí hư : (261)

Có dấu hiệu hen, thở khò khè, âm thanh nhỏ yếu không có sức lực, ngắn hơi, thiếu sức, tự xuất mồ hôi, sắc mặt trắng nhợt nhạt, da khô nhăn, đờm trắng loãng, dễ bị cảm mạo, sợ gió, sắc lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng, nếu để lâu không chữa sẽ có ảnh hưởng đến tỳ khí, tâm khí, thận khí bị hư.

Chứng phế dương hư : (262)

Có dấu hiệu ho khan nhiều, gặp lạnh hay làm việc nặng nhọc bệnh trở nặng hơn, lưỡi nhạt, rêu trắng trơn, đờm trắng loãng.

Chứng phế táo : (263)

Do phế âm hư tổn thương tân hóa táo làm phổi khô, ho khan hoặc khạc ra máu, không có đờm, họng ngứa, miệng mũi khô, nói mất tiếng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng khô rít.

Chứng phế thực : (264)

Có thể do phong hàn làm phế thực hàn, do phong nhiệt làm phế thực nhiệt, hoặc do đờm nhiệt, đờm hỏa gây nên có dấu hiệu chung là khí nghịch, thở hổn hển, ra mồ hôi, ho suyễn và có dấu hiệu của thực nhiệt như đau họng, chảy máu mũi, ho khạc ra máu, đột nhiên mất tiếng..hoặc có dấu hiệu của thực hàn như đờm loãng, da mặt nhợt nhạt, không khát..

Chưng phế hàn : (265)

Có dấu hiệu ho hoặc suyễn hàn, đờm trắng loãng, da mặt nhợt nhạt, co thắt phế quản, dị ứng, không khát, môi không khô, nặng mí mắt, tức sườn ngực nằm ngửa đau, lưỡi ướt hồng nhạt, rêu trắng mỏng.

Chứng phế khí hàn : (266)

Ngực lưng lạnh, ho đờm trắng lỏng trong, bệnh mạn tính thành suyễn hàn, bệnh nặng chỉ ngồi thở, nằm không thở được, lưỡi ướt nhạt.

Chứng phế ố hàn : (267)

Là hàn tà xâm nhập trực tiếp vào phế làm tổn thương dương khí phần vệ ở biểu, hoặc bên trong ăn uống các chất hàn làm tỳ vị hư hàn thêm làm hại chức năng thăng thanh giáng trọc của phế.

Chứng phong hàn phạm phế : (268)

Do phong hàn xâm nhập phế làm phế không tuyên giáng có dấu hiệu ho mạnh, chảy nước mũi, sợ lạnh, đau mình, thường gặp trong bệnh viêm phế quản cấp tính, hen phế quản.

Chứng phong nhiệt phạm phế : (269)

Do phong nhiệt hại phế không tuyên giáng, có dấu hiệu ho đờm vàng dính, miệng khô, họng đau, thích uống nước mát, thường gặp ở bệnh viêm phổi nhiệt, viêm phế quản, thanh quản, áp xe phổi.

Chứng phế hỏa : (270)

Do phế nhiệt hỏa vượng, hư và thực có dấu hiệu khác nhau :

Phế hỏa thực :

Ho dữ dội, tiếng ho mạnh, ít đờm hoặc khạc ra đờm vàng dính có lẫn máu, lưỡi đỏ, rêu vàng.

Phế hỏa hư :

Thuộc âm hư hỏa vượng, ho kéo dài, tiếng ho yếu lên cơn nóng mỗi khi ho, mồ hôi trộm.

Chứng phế nhiệt : (271)

Tà nhiệt phạm phế có dấu hiệu mặt và hai gò má đỏ bừng, ho suyễn nhiệt, đờm vàng dính, miệng khô, sốt cao, họng đỏ đau, khát, táo bón, tiểu vàng, khi ho đau ran lưng ngực, viêm nhiễm hô hấp có sung huyết, lưỡi đỏ, rêu vàng.

Chứng phế nhiệt điệp tiêu : (272)

Phế có uất nhiệt nung nấu kéo dài làm thành teo (nuy) có hai loại bệnh biến khác nhau :

Phế nuy :

Phổi teo, ho nhổ ra đờm dãi đặc có bọt kèm theo nóng rét, suyễn thở gấp, hồi hộp, môi miệng khô, tinh thần sa sút ủy mị, hoặc kèm theo một số bệnh khác do chữa sai lầm sinh biến chứng làm tân dịch hao tổn trầm trọng, âm hư nội nhiệt tổn thương đến phế khí, hoặc trong phế gặp hư hàn do thời tiết gây bệnh thêm sẽ có dấu hiệu dương hư, người bệnh nhổ ra nhiều dãi mà không ho, nhưng chóng mặt và tiểu són.

Cơ nhục nuy :

Da và cơ bắp chân tay teo khô vô lực không cử động được.

Chứng phế khí nhiệt : (273)

Thở gấp, hổn hển, cánh mũi rung động, họng đỏ sưng đau, nếu ho có đờm đặc dính máu, suyễn nhiệt, đại tiện phân khô, lưỡi đỏ rêu vàng khô.

Chứng phế đờm ủng tắc : (274)

Có dấu hiệu tức ngực, hen thở khò khè do đờm thấp nhiều ở ngực, mầu trắng, dẻo dính, rêu lưỡi trắng trơn.

Chứng phế khí bế : (275)

Có dấu hiệu nghẹn thở, hông ngực đầy đau lan đến sườn, khí nghịch làm ho, hơi suyễn, phải ngước mặt lên mới thở được, tiểu không thông, có ít mồ hôi, nếu khó thở không nằm ngửa được là có thủy khí nghịch lên phổi tạo ra suyễn cấp tính.

Chứng phế bế suyễn khái : (276)

Do ngọai tà ủng tắc ở phế làm phế khí uất không thông, có dấu hiệu phát sốt, ho, thở gấp, cánh mũi phập phồng, sắc mặt trắng xanh, môi miệng tím tái, thường gặp ở bệnh trẻ em viêm phế quản, nguyên nhân do phong hàn ở biểu, do phong ôn phạm phế, do hỏa nhiệt bức bách phế, có thêm các dấu hiệu riêng biệt :

Do phong hàn ở biểu :

Phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, không mồ hôi, ho như suyễn khí không đờm.

Do phong ôn phạm phế :

Sốt nhiệt, ố hàn hoặc không, có mồ hôi, ho suyễn, sườn đau, lưỡi đỏ, rêu hơi vàng.

Do hỏa nhiệt :

Hỏa nhiệt bức bách phế thành sốt nhiệt cao, tự ra mồ hôi, phiền khát, ho thở gấp gáp dồn dập.

Chứng phế cam : (277)

Là một trong ngũ cam ở trẻ em do bú mớm không điều độ, nhiệt uất làm tổn thương phế có dấu hiệu khí nghịch làm ho, họng đau, nước mũi nhiều, lạnh nhiều, bụng to trướng, iả chảy phân như nước vo gạo, hay quấy khóc, tứ chi gầy, da lông khô khan, miệng tanh hôi.

Chứng phế giản : (278)

Là chứng co giật thuộc phế, khi lên cơn, sắc mặt trắng sạm, mắt trợn ngược, cổ gáy ưỡn cong, tay xòe, miệng há, lưỡi thè dài ra, kêu be be như tiếng dê, do phế hư nhiễm tà khí tổn thương can thận.

Chứng phế lao : (279)

Là một trong ngũ lao của ngũ tạng do phế khí tổn thương, có dấu hiệu ho, ngực đầy, đau vai, sợ lạnh, mặt héo vàng kém tươi, da dẻ khô khan. Nếu có cả ba tạng hư như tỳ hư không nuôi phế, phế hư không nuôi thận, là dấu hiệu của bệnh lao phổi.

Chứng phế thận lưỡng hư : (280)

Do hai nguyên nhân khác nhau có dấu hiệu lâm sàng khác nhau :

Do phế thận khí hư:

Phế chủ hô hấp là ngọn của khí, thận chủ nạp khí là gốc của khí. Khi cả hai hư thì ngắn hơi, suyễn thở gấp, người ớn lạnh, tự ra mồ hôi, chân tay lạnh, ho có nhiều đờm, thường gặp ở bệnh viêm phế quản mạn tính, phế khí thủng.

Do phế thận âm hư:

Có nguyên nhân như phế hư không nuôi thận, có nguyên nhân thận hư không hóa khí hoặc hư hỏa hun đốt phế nên có dấu hiệu ho khan, ngắn hơi, họng khô, lưng gối mỏi, nóng âm ỉ trong xương, nóng từng cơn, di tinh, ra mồ hôi trộm, thường gặp ở bệnh lao phổi.

Chứng phế thận hư hàn : (281)

Tên gọi khác là kim hàn thủy lãnh vì phế khí hư liên lụy đến thận, hoặc thận dương hư liên lụy đến phế, có dấu hiệu chung khi ho khạc đờm trắng loãng, thở suyễn, sợ lạnh, lưng gối lạnh, thủy thủng.

Chứng phế thủy : (282)

Là loại bệnh thủy thủng, trong phổi có hơi nước làm phế khó thở, toàn thân phù thủng, tiểu khó, đại tiện phân nhão lỏng.

Chứng phế trướng : (283)

Là phế khí đầy trướng có dấu hiệu ho suyễn, ngực đầy tức do phế khí không giáng, chia hai loại hư và thực, thường gặp ở bệnh viêm phổi, hen phế quản cấp tính, cảm nhiễm đường hô hấp..

Thực chứng :

Có tà khí đọng ở phế làm phế khí không giáng.

Hư chứng :

Phế thận đều hư nên thận không nạp khí của phế làm phế khí không xuống.

Chứng phế ti : (284)

Là một chứng tí (đau) của ngũ tạng do ngoại tà ngăn trở phế khí hoặc do bì tí ở biểu nhập lý ẩn náu ở phế làm phát nhiệt ố hàn, ho, thở suyễn, ngực đầy, phiền muộn không yên.

Chứng phế ung : (285)

Khi ho nhổ ra máu mủ do phong nhiệt tà trở uất ở phế lâu ngày thành ung nhọt trong phế hoặc nghiện rượu, hoặc ăn thức ăn chiên xào cay nóng nhiều hại phế.

Bệnh chia 3 giai đoạn

Giai đoạn biểu chứng :

Phát nhiệt ố hàn, ra mồ hôi, ho đau ngực.

Giai đoạn ủ bệnh :

Ho khí nghịch, ngực đầy tức, có lúc rét run.

Giai đoạn vỡ mủ :

Ho thổ ra máu mủ hôi thối và biến chứng thêm bệnh khác.

B-BỆNH CHỨNG CỦA ĐẠI TRƯỜNG

Chứng đại trường hư : (286)

Là đại trường khí hư thường kiêm tỳ hư làm xệ ruột, môi khô, họng khát mà không dám uống nước vì trong đại trường còn chứa nước, chức năng khí hóa hư không chuyển hóa được nên bị sôi ruột, tiêu chảy sống sít kéo dài, mầu phân nhạt.

Chứng đại trường thực : (287)

Đau răng, đầy bụng, cổ, má sưng, mình nóng, viêm amygdale, họng khô, ho suyễn, chảy máu cam.

Chứng đại trường hư hàn : (288)

Mất chức năng khí hóa liên quan đến thận hư hàn, đau bụng ưa xoa nắn, sôi ruột, iả phân cò hay iả ra nước, lâu ngày làm sa xệ ruột, lòi trĩ, tứ chi lạnh, lưỡi nhạt, rêu trơn trắng, thường gặp ở bệnh viêm ruột mạn tính.

Chứng đại trường thực nhiệt : (289)

Đau răng hàm trên, đau đầu, bí đại tiện, bón hoặc iả lỏng thối nồng nặc, hoặc phân ra có mủ máu đờm sắc đỏ trắng lẫn lộn, đau bụng không thích xoa nắn, lưỡi đỏ, rêu vàng dầy khô.

Chứng đại trường nhiệt kết : (290)

Nhiệt kết ở đại trường làm táo bón, sờ vào bụng đau, lưỡi vàng rêu khô, thường do ngoại cảm nhiệt tà còn ở ngoài khí phận.

Chứng đại trường thấp nhiệt : (291)

Thấp nhiệt ở đại trường làm kiết lỵ máu, đau bụng cấp, tiểu đỏ, sẻn, rêu lưỡi vàng nhớt, thường gặp ở bệnh lỵ hoặc viêm ruột cấp tính.

Chứng đại trường ung : (292)

Làm thành bệnh viêm ruột thừa cấp tính do thấp nhiệt, khí trệ, huyết ứ lưu trú ở ruột có dấu hiệu bên phải bụng dưới đau dữ dội có điểm đau rõ rệt làm đầu gối phải co lại mới đỡ đau, kèm theo sốt nóng lạnh, xuất mồ hôi, lợm giọng, có khi cục bộ đã vỡ mủ bên trong ruột tụ thành một khối làm đau căng cứng bụng và sốt cao, nếu vỡ phía ngoài làm viêm màng bụng.

Chứng nhiệt kết bàng lưu : (293)

Có dấu hiệu đại trường thực nhiệt đi cầu táo bón không thông, khó đi nhưng chỉ ra nước chứ không ra phân cục như táo bón thông thường.

Chứng cận huyết : (294)

Bệnh đi cầu ra máu nhỏ gịọt trước khi ra phân do nhiệt độc ở trực trường, kể cả bệnh trĩ.