Con chào thầy,
Đầu tiên con xin gửi lời cảm ơn thầy đã bỏ công sức trả lời những câu hỏi về bệnh tật của con người và chia sẻ lên mạng để nhiều người cùng tập.
Con thưa thầy,
Con 21 tuổi, hiện đang là sinh viên ở Hà Nội.
Hồi mùa đông vừa rồi con có những dấu hiệu : vùng mông bên trái mỗi lần cúi người đều bị đau nhức, nhưng không phải đau vùng khớp mà đau vùng thịt. Mẹ con tra cứu các tài liệu trên mạng và một quyển sách hướng dẫn hơ điếu ngải thì phỏng đoán là con bị đau dây thần kinh tọa, do đó mẹ con hơ điếu ngải cho con theo hướng dẫn điều trị đau thần kinh tọa thì thấy : huyệt nằm trên cùng của mông và huyệt nằm phía dưới chừng 2-3cm bị lạnh, ấn vào thấy đau, đặt điếu ngải ở trên không có cảm giác nóng lên, hơ một lúc mới thấy nóng. Sau đó, khi con đỡ đau, chỉ còn hơi nhức thì con nghĩ là bệnh có thể tự thuyên giảm và sẽ khỏi nên không tiếp tục hơ nữa. Sau đó, vùng mông bên trái hết đau, nhưng bên phải lại bị đau với những dấu hiệu tương tự. Mẹ con tiếp tục hơ điếu ngải cho con và cũng đến lúc giảm đau thì ngưng.
Sau đó, con bị đau đốt xương sống ở eo lưng, mẹ con cũng hơ điếu ngải và con hết đau.
Sau đó, con không bị đau lại đốt xương sống ở eo lưng, nhưng bị đau hai bên mông, cứ luân phiên bên trái và bên phải, không đến mức rất đau nhưng âm ỉ, ảnh hưởng đến việc cúi người, chơi thể thao,... Tuy nhiên, vì trời đã vào hè rất nóng nực nên con không muốn hơ điếu ngải nữa, vả lại con nghĩ rằng đó không phải biện pháp để điều trị tận gốc.
Con là người khá thường xuyên hoạt động, mỗi ngày đều tập aerobic theo đĩa 30'. Ngoài ra có việc cần đi lại con đều dùng xe đạp hoặc đi bộ. Khoảng một tháng trở lại đây con được nghỉ ôn thi nên ở nhà và ngồi nhiều hơn. Chiều hôm qua con có đi bộ khoảng 4km. Hồi trước thỉnh thoảng con vẫn đi như vậy, con thấy bình thường, toát mồ hôi, tinh thần sảng khoái. Nhưng chiều hôm qua về đến nhà con thấy mông bên phải lại đau nhức, cúi người khó khăn. Con đã xoa bóp sơ qua (không dùng rượu, gừng,...) nhưng đến sáng nay con vẫn thấy đau.
Song song với quá trình điều trị đau dây thần kinh tọa (từ mùa đông) thì từ tháng 4 năm nay, sức khỏe của con có vẻ giảm sút nhiều. Biểu hiện là trước đây, con có thể tập thể lực, chống đẩy, chạy, nhảy,... chỉ thấy hơi mệt, sau đó nghỉ ngơi lại thấy tinh thần sảng khoái. Nhưng gần đây khi tập các động tác khởi động, chỉ cần xoay cổ thôi con cũng thấy chóng mặt. Cách đây mấy tuần, có một hôm con thấy hoa mắt chóng mặt, đi đứng không vững, con có đi khám sức khỏe bằng máy DDFAO-PRO-MEDISCAN M 3D ở Viện Y học Hàng Không, các bác sĩ có chẩn đoán huyết áp thấp (90/55), thiếu máu não thùy thái dương 2 bên, thiếu canxi gây giảm tỉ trọng xương cột sống, rối loạn nhu động đại tràng và tăng kích thích dạ dày. Con có uống bổ sung sữa (khoảng 150ml/ngày) nhưng không thường xuyên, và ăn thêm một số bữa phụ nhỏ trong ngày.
Con có may mắn đọc được trên trang web khicongydaovietnam bài :
Bài 340 : Hỏi cách chữa bệnh đau khớp xương mông (dấu hiệu thần kinh tọa)
Con nghĩ con có thể tập theo phương pháp thầy đã chỉ ra, tuy nhiên các link video đều không vào được. Thầy có thể chỉ cho con bây giờ con cần làm gì để cải thiện sức khỏe không ạ ?
Con cám ơn sự giúp đỡ của thầy.
Con gửi thầy lời chào và lời chúc sức khỏe.
Trả lời :
A-Nguyên nhân :
Thoái hóa xương do máu thiếu không cung cấp đủ máu nuôi các dây thần kinh và bổ sung máu cho các đĩa đệm các khớp xương đốt sống cổ gáy lưng cột sống, giống như các đĩa đệm thiếu dầu mỡ.
Chỉ tập luyện khí giúp máu lưu thông, nhưng cơ thể thiếu máu càng làm hao tổn thêm khí huyết gây ra biến chứng thành nhiều bệnh, nếu cứ chạy theo bệnh đau đâu chữa đó là chữa ngọn mà không chữa gốc bệnh là bổ máu làm tăng áp huyết thì không thể khỏi bệnh được..
Bất kỳ cách chữa nào cũng đều phải theo dõi áp huyết trước khi chữa và sau khi chữa so sánh với kết qủa áp huyết tiêu chuẩn của khí công, mới biết cách chữa ấy đúng hay sai.
Đây là bảng tiêu chuẩn áp huyết theo loại tuổi theo kinh nghiệm của khí công y đạo :
95-100/60-65mmHg, mạch tim đập 60 là áp huyết ở tuổi thiếu nhi.( 5 tuổi-12 tuổi)
100-110/60-65mmHg, mạch tim đập 65 là áp huyết ở tuổi thiếu niên (13 tuổi – 17 tuổi)
110-120/65-70mmHg, mạch tim đập 65-70 là áp huyết ở tuổi thanh niên (18 tuổi-40 tuổi)
120-130/70-80mmHg, mạch tim đập 70-75 là áp huyết ở tuổi trung niên (41 tuổi-59 tuổi)
130-140/80-90mmHg, mạch tim đập 70-80 là áp huyết ở tuổi lão niên (60 tuổi trở lên)
B-Cách điều chỉnh Tinh-Khí-Thần :
Tinh :
1- Ăn uống những thức ăn bổ máu theo như hướng dẫn trong bài 387 trên trang nhà.
2- Đau nhức thần kinh, uống thêm B12 vào mỗi sáng.
3-Kiêng ăn những chất chua, hàn lạnh vì chua làm mất máu, hàn lạnh làm máu lưu thông chậm, khiến chất vôi và chất béo dễ bị kết tủa làm tắc tuần hoàn trong những ống mạch hay những sợi thần kinh. Cần ăn những chất gừng để bổ bao tử, ấm phổi, hạt tiêu làm ấm thận.
4-Sau mỗi bữa cơm, pha 1 thìa bột Điền Thất sống với 1 ly nước nóng, uống thay nước trà (mua ở tiệm thuốc bắc) công dụng làm tan máu ứ tích tụ làm thông máu khắp toàn thân.
Khí :
1-Tập 7 bài đầu khí công thông khí huyết và thần kinh trên đầu.
2-Tập bài Cúi Ngửa 4 Nhịp để cung cấp máu lên nuôi não, cúi đầu xuống thật thấp thả lỏng cổ gáy giúp máu thông qua đốt sống cổ gáy để chữa bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
3-Tập bài Vỗ Tay 4 Nhịp 200 lần, nhưng chú ý khi hai bàn tay vỗ lên trời cổ phải ngửa ra đằng sau mắt nhìn thẳng lên trời, để làm chuyển động đốt sống từ cổ gáy đến đốt sống lưng sau tim. Bài tập này vừa có công dụng tăng cường tâm-phế khí vừa chữa thoái hóa đốt sống cổ gáy, cột sống lưng trên.
4-Tập bài Vặn Mình 2 Nhịp 20 lần để chỉnh lại cột sống cổ gáy lưng tự sắp xếp lại cho thẳng vào đúng khớp và làm mềm dẻo đĩa đệm ngừa bệnh thoái hóa làm thành gai cột sống...
5-Tập bài Đứng Hát Kéo Gối Lên Ngực 200 lần làm tăng áp huyết, thông thần kinh tọa, thần kinh mông, đầu gối phải kéo cao lên tối đa đến ngực mới có kết qủa.
6-Tập Dậm Chân Phía Trước Phía Sau 5 phút để cho khí huyết thông xuống chân, và thông thần kinh tọa.
7-Tập bài Dịch Cân Kinh 4 Nhịp 20 lần điều hòa âm dương, (ngồi xuống lưng phải thẳng).
8-Nhờ người khác chữa thần kinh tọa, thần kinh mông và chỉnh lại cột sống lưng cho thẳng bằng hai bài tập :
a-Nằm úp, tập bài Thở Thông Cột Sống, một bàn tay ấn đè ở Mệnh Môn, tay kia ép gót chân vào mông ở thì thở ra, mỗi chân ép 36 lần.
b-Nằm úp, bôi dầu trơn (như dầu nóng, dầu vaseline...) từ mắt cá chân ngoài theo đường giữa bắp chân đến nhượng chân, rồi đứng cuối giường, người chữa dùng hai ngón tay cái vuốt từ mắt cá chân ngoài, huyệt Côn Lôn theo đường giữa bắp chuối chân lên đến giữa nhượng chân, huyệt Ủy Trung, với một lực hơi mạnh, ngón tay đè sâu trên đường vuốt 0.5cm, khi đang vuốt thì bệnh nhân thở ra, để ý khi vuốt, bệnh nhân lắc mông và cột sống lưng sang một bên là vuốt đúng. Mỗi chân vuốt 36 lần.
Sau khi vuốt xong, bệnh nhân đứng lên tập bài thư giãn thần kinh mông, thần kinh tọa bằng bài đánh đong đưa một chân như con lắc, không dùng sức, cần đong đưa chân về phía sau lưng nhiều, mà lưng vẫn giữ thẳng, tên gọi bài này là Điều Chỉnh Thăng Bằng : http://www.youtube.com/watch?v=ecZBwlVc4Zg
Thần :
Tối trước khi đi ngủ nằm tập thở thiền ở Đan Điền Thần.
Tìm video các bài tập khí công trong thông báo 20 nơi trang nhà.
Thân
doducngoc