Kính chào Bác!
Cháu vô tình biết được Khí công Y đạo và đang tập bài Nạp khí trung tiêu, Kéo đầu gối và thở Mệnh môn.
1-Theo một nguồn tài liệu (xin bác hãy click vào đường dẫn)
http://qigongrememo.com/index.php?categoryid=8&p2_articleid=94 thì có viết:
Bài tập kéo đầu gối : Đan hai bàn tay nắm một đầu gối, khi hít vào thì kéo đầu gối trái vào sát cánh tay, cho đùi đụng vào bao tử hay đụng vào gan, khi thở ra bỏ tay duỗi chân ra, rồi khi hít vào nắm đầu gối phải kéo vào, khi thở ra duỗi chân ra. Cứ kéo bên này bên kia theo hơi thở vào thở ra liên tục đều đều 30 lần, công dụng bài này vừa chữa đau lưng, sạn thận, vẹo cột sống lưng, thần kinh tọa, vừa nhồi bóp đường ruột, gan bao tử . Theo lý luận âm dương .Bụng là mặt âm, kéo chân vào và hít vào là dương tức là đang dùng dương chữa âm mà cũng là dùng dương chữa dương ở lưng.
2-Trong khi đó, như một video mà Bác đã hướng dẫn (đây là đường dẫn tới video đó):
http://www.mediafire.com/?i6kh4qkwi8r54wg thì Bác lại bảo: khi ép chân vào sát bụng thì phải thổi ra mạnh, như thế theo cháu hiểu cũng là thở ra thôi nhưng mà thở ra mạnh theo kiểu thổi, như vậy khi duỗi chân ra phải hít chứ không lấy đâu ra hơi mà thổi khi làm cho chân bên kia phải không Bác, như thế có phải là ngược với ý được trình bày trong tài liệu thứ nhất không hả Bác? Hay hai bài tập này là khác nhau, chỉ có cái tên giống ở chỗ là kéo gối thôi?
3-Cháu bị áp huyết thấp, đầu hay đau và mỏi cả vai gáy, nên hay mệt lắm, chỉ thích nằm thôi. Vậy có cần tập thêm gì không? và nếu tập, ví dụ trong bài Nạp khí trung tiêu thì phải ngả đầu vào giường chứ không được ngẩng phải không ạ, tối ngủ nên dùng gối hay không và dùng gối gì? Nhiều khi cháu dốc ngược đầu xuống đất, chống hai tay dưới đất (giống kiểu chồng cây chuối) thấy cái đầu bớt căng đi nhiều. Thế có sao không hả Bác? Đôi khi ăn vì thức ăn hơi khô, cháy thường uống nước, thế có sao không Bác?
4-Lịch tập luyện của cháu giờ là: sáng dậy 6h15 phút, đánh răng rửa mặt, uống một cốc nước ấm pha mật ong, 6h30 phút khởi động các khớp, kéo dãn cơ thể (mất khoảng 7-10 phút); chạy trên máy chạy 10 phút, tốc độ vừa phải để không bị thở dốc; sau đó nhấc chân lên cao khoảng 8 phút cho 2 chân (vì cháu có tập đánh võ được tháng nay, cháu tự tập thôi), sau đó tập bài si lim tao form của Wing chun (Việt Nam gọi là thủ đầu quyền của phái Vịnh Xuân) 2 lần mất khoảng 10 phút nữa,sau đó tập cơ bụng (gập bụng 3 hiệp, mỗi hiệp 17 cái), sau đó cháu tập đấm và đá vào bao mềm; sau đó tập tạ nhưng rất nhẹ thôi (chừng 2 bài thôi và tập trung vào một nhóm cơ, cháu chỉ tập trung vào ngực, tay và vai; khi tập cháu có đeo cái gối vòng quanh cổ để tập), xen với tập tạ là tập Thái Cực Quyền 2 thức, hôm nào nghỉ tập tạ cho các nhóm cơ nghỉ thì cháu mới tập Thái Cực. Còn tập Nạp khí trung tiêu và kéo gối, nhưng đang chưa biết tập kéo gối thế nào cho chính xác.
Cháu là lập trình viên, lao động trí óc rất nhiều vì vậy cháu nghĩ rằng, phải dành thời gian thích đáng tập luyện và bồi bổ cơ thể.
5-Cháu rất mê y học, cụ thể là y học phương Đông, cháu đang tìm hiểu Khí công Y đạo do Bác truyền dạy, nhưng chưa biết bắt đầu thế nào, mục đích của cháu là học để giúp mình (cháu thể chất yếu ớt lắm) và giúp người, mẹ cháu cũng không được khỏe lắm vì bươn chải công việc, mẹ cháu hay đau khớp lắm, cháu đang học tập ở Nga, lúc nào được ở nhà là mẹ nhờ bóp tay chân cho suốt, cháu định 1 tháng tới được nghỉ sẽ làm cái đĩa về Khí công Y đạo gửi về Việt Nam mẹ.
Nếu Bác có thì giờ xin hãy email lại cho cháu. Nếu Bác đang bận xin hãy giữ nó lại, đợi khi thích hợp email lại cho cháu cũng được vì cháu biết Bác có nhiều công việc mà.
Cuối cùng không biết nói gì hơn là cảm ơn Bác, cảm ơn Khí công Y đạo! Chúc Bác luôn vui tươi và mạnh khỏe!
Cháu D H.
Trả lời :
Câu 1 : Bài tập Kéo Đầu Gối là bài hít khí vào rồi kéo đầu gối ép cho khí trong người có đủ lực đẩy máu xuống đầu gối, xuống chân, vì đây không phải là bài rút khí trong người ra. Bài này làm tăng dương tăng áp huyết.
Câu 2 : Ngược lại bài Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng mục đích ép máu trong gan, ép thức ăn trong bao tử, ép phân trong đường ruột, ép sạn trong thận...sau khi các tạng bị ép, nó sẽ tự động phồng lên nhận oxy, nhận máu mới vào thay máu cũ, cách này làm thông khí huyết toàn thân, làm hạ nhiệt, hạ áp huyết, hạ đường, hạ men gan, hạ đầy hơi trong bao tử, làm mền phân không bị táo bón. Do đó bài này không chú trọng hít vào, nếu tập đúng, thì dùng hai cục bông gòn nhét vào 2 lỗ mũi giả như mũi bị nghẹt, rồi cứ tập kéo ép gối thổi ra, không để ý hít vào thì khí tự động vào qua miệng. Hãy để ý, nếu dùng cách thở bằng mũi, tự nhiên lồng ngực sẽ nâng lên, như vậy là thở bằng ngực thì áp huyết lên, nhưng khi thổi ra hít vào bằng miệng thì ngực không chuyển động mà bụng chuyển động, nên mới gọi là thở bụng. Cách thở bụng giống như cách thở của con cá, nếu nó hít vào thì nước sẽ vào người nó, thì nó thở ra nước sẽ ra, nhưng nó chỉ há miệng rồi thổi ra thì bong bóng khí trong người nó thoát ra, rồi há miệng chờ, lại thổi ra nữa, do đó không cần hít vào.
Câu 3 : Bài Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng làm áp huyết và đường xuống thấp, do đó có thể ăn ngọt mà không sợ bị tiểu đường, còn áp huyết thấp cần phải uống thuốc bổ máu.
Hậu quả của bệnh áp huyết thấp là do thiếu máu không đi nuôi đủ các tế bào, nên đau, mỏi, mệt, suy nhược thần kinh, biếng ăn, chóng mặt, khó thở.... tóm lại tất cả các cơ quan trong người giống như những chiếc xe chạy, nó phải cần nhiên liệu là máu, hay những thức ăn tạo máu, nếu không nó sẽ không thể hoạt động, thì mọi bệnh phát sinh, nên đông y khí công không chữa vào ngọn là những dấu hiệu bệnh, mà cần chữa vào gốc bệnh làm tăng lượng máu tiếp tế nhiên liệu cho các cơ quan hoạt động.
Trồng cây chuối là tạm thời đưa máu lên nuôi thần kinh não bộ, còn thiếu máu vẫn là thiếu máu.
Việc chạy trên máy làm hao thêm năng lượng trong cơ thể. Tất cả cách tập luyện là tăng khí. Đông y chú trọng đến sự quân bình khí-huyết, luyện khí mà không có huyết, hay người có đủ huyết (máu) như ăn nhiều người mập mà không vận động, thì cả hai khí huyết không được quân bình nên hậu qủa sẽ gây ra nhiều bệnh.
Câu 4 : Cách tìm bệnh theo đông y là bắt mạch nghe khí và huyết của từng tạng phủ, chỉ có những thầy giỏi mới bắt mạch định bệnh đúng, nhưng khí công thay bắt mạch bằng máy đo áp huyết sẽ chính xác và dễ dàng hơn. Từ kết qủa áp huyết đo được ở hai tay, trước khi ăn và sau khi ăn 30 phút, lấy cả 3 số, rồi so sánh với bảng tiêu chuẩn sau đây :
90-95 (1 tuổi đến 5 tuổi) mạch nhanh không chính xác.
95-100/60-65mmHg, mạch tim đập 60 là áp huyết ở tuổi thiếu nhi.(6 tuổi-12 tuổi)
100-110/60-65mmHg, mạch tim đập 65 là áp huyết ở tuổi thiếu niên (13 tuổi-17 tuổi)
110-120/65-70mmHg, mạch tim đập 65-70 là áp huyết ở tuổi thanh niên (18 tuổi-40 tuổi)
120-130/70-80mmHg, mạch tim đập 70-75 là áp huyết ở tuổi trung niên (41 tuổi-59 tuổi)
130-140/80-90mmHg, mạch tim đập 70-80 là áp huyết ở tuổi lão niên (60 tuổi trở lên)
Từ bảng tiêu chuẩn này, chúng ta sẽ biết tại sao những trẻ em bị bệnh chảy máu cam, hay động kinh, đó là tuổi nhỏ mà áp huyết cao như người lớn. Ngược lại người lớn có áp huyết thấp như trẻ em là người đã bị thiếu khí huyết hơn 20-30 năm nên mới có bệnh ung thư do các tế bào không đủ máu nuôi sẽ bị hư hại dần kết tụ theo thời gian lâu ngày tạo thành khối u..
Do đó, người nào có áp huyết thấp, cần phải uống thuốc bổ máu B12, B-Complex, Swical Energy, ăn lẩu đồ biển, thịt bò bít tết, củ dền đỏ, rau dền.... không được uống nhiều nước, không được ăn thức ăn chua như chanh, cam, bưởi, dứa, khổ qua, dưa chua, rau xanh, nước đá, yaourt, kem...
Cần phải ăn thên gừng để bổ ấm bao tử, ớt thông bổ làm ấm phổi, tiêu làm ấm mạnh thận, tỏi sát trùng đường ruột....
Khi cơ thể đã có đủ máu, kiểm chứng bằng máy đo áp huyết đã tăng lên, thì lúc đó mới tập luyện những động tác mạnh, sẽ không bị mất năng lượng.
Mục đích luyện khí công để trợ giúp cho máu lưu thông đi nuôi khắp các tế bào và trao đổi oxy cho các tế bào, nếu không đủ máu thì nhiều tập khí cũng vô ích, như vậy theo đông y mới gọi là tái lập quân bình âm dương thì cơ thể mới không bị bệnh.
Câu 5 : Cũng nhờ vào máy đo áp huyết, chúng ta có thể kiểm tra mọi thứ như thức ăn thuốc uống, trước khi ăn hay dùng thuốc, đo áp huyết, sau khi ăn đo áp huyết, nếu chúng ta cần áp huyết lên mà thức ăn đó làm cho áp huyết lên thì hợp với mình, nếu mình cần áp huyết xuống mà thức ăn đó làm cho áp huyết xuống thì hợp. Cũng vậy, bài tập khí công, võ thuật hay cách tập nào của môn phái nào cũng cần phải đo áp huyết trước và sau khi tập sẽ biết được bài nào làm áp huyết lên, bài nào làm áp huyết xuống, và cơ thể mình cần tập bài nào thì hợp.
Chữa bệnh bằng nhân điện hay năng lượng vũ trụ cũng đều phải đo áp huyết cả bệnh nhân và thầy chữa để kiểm chứng trước và sau khi chữa. Có khi thầy chữa cho bệnh nhân để làm hạ áp huyết, nhưng khi đo lại bệnh nhân lại cao áp huyết, và thầy thuốc lại bị tụt áp huyết, thì đó gọi là bệnh của người này truyền cho người kia.
Không nên tin ai bằng tin vào máy đo áp huyết để biết tình trạng khí huyết của mình, lúc đó mới biết cách điều chỉnh lại theo Tinh-Khí-Thần thỉ khỏi bệnh.
Tất cả cách điều chỉnh ăn uống cho khỏi bệnh gọi là điều chỉnh Tinh. Tập luyện khí công, võ thuật, dưỡng sinh làm cho bệnh mình khỏi gọi là điều chỉnh Khí trong thể động (dương). Còn cần phải giúp cho khí huyết trong cơ thể lắng đọng để chuyển hóa như tinh chất của thức ăn khi ở thể tĩnh nghỉ ngơi mới được chuyển hóa thành máu, rồi máu gọi là tinh lại lắng đọng để chuyển hóa thành khí hay năng lượng thành ra lực, gọi là Tinh hóa Khí, rồi khí lắng đọng để chuyển ra thần sắc gọi là khí hóa thần...thời gian làm lắng đọng để chuyển hóa âm ra dương, là huyết ra khí, và dương ra âm là khí ra huyết...phương pháp này gọi là điều chỉnh Thần.
Cho nên dù có ăn uống tập luyện theo Khí Công Y Đạo cũng phải dùng máy đo áp huyết để tìm nguyên nhân bệnh, rồi chọn cách ăn uống để điều chỉnh Tinh, biết chọn bài nào tập cho phù hợp gọi là luyện Khí, và chọn bài nào để điều chỉnh Thần cho phù hợp thì cơ thể sẽ điều hòa quân bình được âm (huyết) dương (khí) thì cơ thể sẽ luôn luôn khỏe mạnh không bệnh tật.
Thân
doducngoc